Sự ủng hộ và các chiến dịch bình chọn ở các nước Bảy_Kì_quan_Thiên_nhiên_Mới_của_Thế_giới

Dù chỉ là một cuộc bình chọn do tư nhân tổ chức, song nhờ có sự quảng bá tốt vượt trội nên chương trình bình chọn của New7wonder đã có tiếng vang trên toàn thế giới, quy mô bình chọn trên toàn cầu. Liên Hiệp Quốc đã đánh giá cao cuộc bầu chọn bởi nó phù hợp với Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, giúp du khách và nhân dân các nước biết đến hàng trăm danh thắng, kỳ quan thiên nhiên đa dạng và độc đáo ở khắp các châu lục[4]. Trong thông cáo của mình, Văn phòng ủy ban phụ trách hợp tác quốc tế của Liên Hiệp Quốc viết:[12]

Chiến dịch của New7Wonders nhằm mục đích đóng góp vào quá trình nâng cao tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau của công dân trên khắp thế giới, thông qua việc khuyến khích sự tương tác, thể hiện ý kiến ​​và tham gia trực tiếp bằng cách bỏ phiếu về các chủ đề phổ biến và các vấn đề toàn cầu, qua đó giúp chúng trở nên gần gũi với tất cả mọi người.

— Ủy ban phụ trách hợp tác quốc tế Liên Hiệp Quốc

Grant Thornton, tổ chức lớn thứ 5 thế giới về kế toán, kiểm toántư vấn quản lý đã có một báo cáo đề cập đến giá trị kinh tế của cuộc bình chọn: "Chiến dịch 7 kỳ quan Thiên nhiên mới có khả năng tạo ra hơn 10 tỷ USD giá trị kinh tế và tiếp thị trên toàn cầu", mỗi nước chiến thắng sẽ thu hơn 1 tỷ USD mỗi năm từ du lịch, qua đó cho thấy "New7Wonders là một lực lượng cực kỳ tích cực, mang mọi người đến với nhau bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại mang tính trực tiếp, tương tác, và thông qua điều này đã thực sự tạo ra giá trị tăng thêm cho kinh tế thế giới".[13]

Do vậy, dù không được công nhận về mặt khoa học, các chương trình vận động bình chọn của nhiều nước vẫn muốn tận dụng chương trình này để quảng bá cho địa điểm du lịch của đất nước họ để thu lợi về mặt thương mại, cũng như quảng bá hình ảnh văn hóa quốc gia ra toàn thế giới. Sau khi New7wonder phát động cuộc bình chọn, hàng chục quốc gia đã có các chiến dịch quy mô nhằm vận động người dân tham gia bỏ phiếu, nhất là những nước có kỳ quan lọt vào vòng 2 gồm 28 kỳ quan.

Tại châu Á

Tại Đài Loan, ngọn núi Ngọc Sơn đã được tờ Wall street Juarnal viết bài cổ vũ bầu chọn để trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới[14]. Kênh truyền hình Al-Jazeera tiếng Anh cho biết, số du khách tới Ngọc Sơn đã tăng gấp đôi kể từ khi có cuộc bình chọn do New7Wonders phát động. Trần Long Thăng, giám đốc công viên quốc gia Ngọc Sơn, cho biết bên cạnh việc vận động người dân Trung Quốc bỏ phiếu, công viên sẽ phối hợp với các vườn quốc gia có quan hệ hữu hảo tại ÝNhật Bản để quảng bá người dân thế giới bầu chọn cho mình.[15]

Tại Hàn Quốc, Korea Telecom (KT), công ty viễn thông hàng đầu quốc gia, đã trở thành nhà tài trợ bạch kim của đảo Jeju trong chiến dịch New7Wonders Nature. Tiến sĩ Hansuk Kim, Phó Chủ tịch điều hành cao cấp của Korea Telecom cho biết: "KT nhận thấy việc tài trợ này không chỉ mang lại lợi ích cho đảo Jeju, mà còn giúp tạo dựng hình ảnh của Hàn Quốc trên khắp thế giới."[16] Tập đoàn Hyundai MotorTập đoàn Kia Motors cũng trở thành các nhà tài trợ bạch kim chính thức của đảo Jeju trong chiến dịch New7Wonders. Công bố khoản tài trợ, Chủ tịch Hyundai Motor, ông Chung Jin Haeng, cho biết: "Việc Hyundai và Kia tài trợ của đảo Jeju trong chiến dịch New7Wonders of Nature là một phần chiến lược của chúng tôi để hỗ trợ quảng bá hình ảnh tích cực của Hàn Quốc ra thế giới".

Theo các phương tiện truyền thông, nhóm K-pop nổi tiếng JYJ đã nộp một đơn khiếu nại chống lại kênh KBS Hàn Quốc khi cắt bỏ sự xuất hiện của nhóm trong buổi hòa nhạc để thúc đẩy bình chọn cho đảo Jeju. Trong tháng, JYJ đã trở thành đại sứ danh dự cho Jeju trong việc vận động bình chọn.[17]

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak thì đã đích thân bình chọn cho đảo Jeju trước truyền thông ngay tại hòn đảo. Sau khi bỏ phiếu, Tổng thống Lee Myung-Bak cũng kêu gọi tất cả các Bộ trưởng và thống đốc tham dự hội nghị bỏ phiếu cho Jeju, và ông khuyến khích tất cả mọi người Hàn Quốc bỏ phiếu cho chiến dịch của New7Wonders.[18]

Một nghiên cứu gần đây của viện JDI tại Hàn Quốc đã xác nhận rằng: các kỳ quan lọt vào top 7 kỳ quan thiên nhiên mới có thể tạo ra 1,8 tỷ USD giá trị kinh tế mỗi năm cho mỗi nước giành chiến thắng.[19]

Tại Indonesia, sau khi có những phát biểu công kích chương trình bình chọn, chính phủ Indonesia dừng hỗ trợ cho cuộc vận động bầu chọn vườn quốc gia Komodo. Thất vọng vì điều này, các nhóm hoạt động môi trường và nhiều chính khách đã thành lập Uỷ ban Hỗ trợ cho đảo Komodo để tiếp tục thúc đẩy bình chọn. Tờ Jakarta Post cũng tham gia vận động và thể hiện sự bất bình với quyết định rút lui của chính phủ với bài viết tựa đề "Khi chính phủ thất bại, người dân sẽ gánh vác". Tờ báo dẫn lời Agustinus Ch. Dulla, phụ trách vùng du lịch phía Đông cho biết, kể từ khi có tên trong danh sách binh chọn, số du khách tới vườn quốc gia Komodo đã tăng 300%, từ 15.000 năm 2009 lên hơn 50.000 năm 2011, và rằng dù có tranh cãi về tính khoa học, cuộc bình chọn đã góp phần quan trọng để quảng bá hình ảnh của hòn đảo ra thế giới.[20]

Kể từ đó, một nhóm các nhà vận động, trong đó có cựu Phó tổng thống Jusuf Kalla và ban nhạc rock Slank, đã tham gia giúp ủy ban trong công việc đẩy mạnh vận động người dân để bù đắp cho việc thiếu hụt sự trợ giúp của chính phủ.[21]. Cựu Phó tổng thống Jusuf Kalla còn chỉ trích những quan chức tỏ ý nghi ngờ New7wonders. Ông nói họ là "thật ngây thơ khi chỉ nhìn vào văn phòng đại diện, một thứ vốn không quan trọng trong thời đại kỹ thuật số.", và rằng "chính phủ không quan tâm chỉ vì họ cảm thấy ghen tị với tầm ảnh hưởng của New7wonders"[22]. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cũng kêu gọi người dân nhắn tin SMS bình chọn cho vườn quốc gia Komodo qua số 9818[23]. Cuối cùng vườn quốc gia Komodo đã lọt được vào Top 7 kỳ quan được bình chọn nhiều nhất.

Sau khi chính phủ Liban dừng hỗ trợ cho cuộc vận động bầu chọn, quyết định này bị phản đối bởi nhiều người dân trong nước cũng như nhiều chính khách. Trước các phương tiện truyền thông Trung Đông, Tổng thống Liban Michel Sleiman đã tự tay truy cập bầu chọn cho hang động Jeita, và sau khi bỏ phiếu của mình, ông kêu gọi nhân dân Liban ở trong nước và nước ngoài bỏ phiếu cho cuộc bình chọn New7Wonders of Nature.[24]. Thủ tướng Najib Mikati thì nói: "Đây là cơ hội vàng để cho thế giới biết những điều đặc biệt của chúng ta. Tôi kêu gọi người dân Li-băng, như một nghĩa vụ với quốc gia, hãy bỏ phiếu cho hang động Jeita"[25]

3 nước Israel-Jordan-Palestine đã hợp tác cho một chiến dịch vận động bình chọn quy mô cho kỳ quan của họ là Biển Chết. Những nỗ lực PR quy mô lớn đã bắt đầu với một chiến dịch tiếp thị toàn diện của NIS trị giá 8,75 triệu USD ra mắt tháng 5-2010. Trong đó, 3,5 triệu đến từ Bộ Du lịch và 2 triệu USD từ Văn phòng của Thủ tướng Chính phủ. 7,25 triệu dự kiến sẽ dùng để vận động các đối tượng ở nước ngoài và 1,5 triệu được sử dụng để quảng bá ở Israel.

Bộ trưởng Bộ Du lịch Israel, Stas Meseznikov tuyên bố. "Chúng ta không được thờ ơ, thay vì thế chúng ta phải tiếp tục bỏ phiếu cho Biển Chết, cả ở Israel và trên thế giới. Một chiến thắng cho Biển Chết có nghĩa là sẽ có hàng trăm hàng ngàn khách du lịch đến khu vực mỗi năm, hàng ngàn cơ hội việc làm và cải thiện hình ảnh của Israel ở nước ngoài như một điểm đến du lịch hấp dẫn"[26]

Tại Jordan, Nhà sáng lập Bernard Weber đã nhận được lời mời của Tiến sĩ Haifa Abu Gazaleh, Bộ trưởng Bộ Du lịch và cổ vật Jordan. Trong các cuộc họp này, các chiến lược cho chiến dịch bầu chọn cho Biển Chết trong New7Wonders of Nature đã được thảo luận. Một thỏa thuận liên quan đến tin nhắn SMS bình chọn cho Biển Chết cũng đã được ký cùng một lúc.[27]

Tại Việt Nam, một chiến dịch rầm rộ nhằm bình chọn qua internet bảy kỳ quan thiên nhiên dựa theo sáng kiến của tổ chức trên đã được nhiều cơ quan chức năng nhà nước, cấp chính quyền phát động vào tháng 8/2007. Đây được coi "là cơ hội để tuyên truyền và khẳng định lại một lần nữa các giá trị hàng đầu thế giới của Vịnh Hạ Long, giúp các tầng lớp nhân dân thêm hiểu về di sản để từ đó xây dựng ý thức trách nhiệm, góp phần chung tay giữ gìn, phát huy các giá trị di sản không những của Vịnh Hạ Long mà của nhiều di tích, danh thắng khác trong cả nước".[4]

Kéo theo đó là nhiều cơ quan báo chí cùng vào cuộc để cổ vũ mọi người dân bình chọn [28]. Từ ngày 22 tháng 2 năm 2008, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã được phía công ty NOW đồng ý là cơ quan bảo trợ chính thức và đã đại diện ký thỏa thuận với NOW [8]. Ngày 25 tháng 2 năm 2008, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ phát động bình chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới. Nhiều báo như báo Tuổi Trẻ đã lập hẳn 1 chuyên mục để thông tin (với khẩu hiệu "Bầu chọn Việt Nam: Lá phiếu của lòng yêu nước") thường xuyên và tuyên truyền cổ động cho cuộc bình chọn này [29]. Nhiều máy tính được đặt lên ở các nơi phục vụ cho việc bầu chọn. Sau khi việc bầu chọn thông qua tin nhắn SMS xuất hiện, rất nhiều hình thức tuyên truyền đã được thực hiện nhằm kêu gọi người dân bầu chọn. Tại Tuần Châu, ông Đào Hồng Tuyển cho toàn bộ nhân viên trên đảo Tuần Châu được nghỉ việc để nhắn tin bình chọn cho Vịnh Hạ Long trong ngày 11-11, tin nhắn thành công sẽ được cơ quan thanh toán[30].

Ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) khẳng định, nếu so với các chương trình xúc tiến du lịch khác thì đợt quảng bá này cho vịnh Hạ Long không tốn kém. Chi phí 7,5 tỷ đồng cho tin nhắn trong 4 năm không đáng kể khi so với việc quảng bá trên kênh truyền thông quốc tế như CNN, BBC, mỗi lần mất khoảng 160.000 USD-200.000 USD, tương đương 4 tỷ đồng mà chỉ quảng cáo được trong 1 clip dài 30 giây. So với chi phí quảng bá du lịch hàng năm ở các nước cùng khu vực cũng là rất nhỏ, như Malaysia đầu tư 80 triệu USD, Thái Lan 70 triệu USD, và Singapore gần 60 triệu USD

Ngày 28/9/2008, tỉnh Lào Cai đã phát động cuộc bầu chọn Phanxipăng (Fansipan) là kỳ quan thiên nhiên thế giới [31]. UBND tỉnh Lào Cai đã thành lập ngay Ban vận động chính thức để bình chọn. Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cũng đã thành lập Ban vận động chính thức, đóng tiền hàng tháng và ứng cử để được bình chọn. Tuy nhiên sau khi giai đoạn 1 cuộc bình chọn sắp kết thúc (tháng 8-2008), 2 ứng viên này đã rút tên để dồn phiếu cho kỳ quan có nhiều triển vọng hơn là Vịnh Hạ Long.

Tại châu Âu

Đức có đại diện là vùng Rừng Đen, nằm ở bang Baden-Württemberg. Trong một động thái hâm nóng tình đoàn kết, những đứa trẻ của dàn hợp xướng trường quốc tế châu Âu ở München, nằm trong tiểu bang lân cận của Bayern, đã ghi âm bài hát "Kỳ quan thiên nhiên của chúng tôi". Được sáng tác bởi Stefan Zaradic và Rickie Kinnen, bài hát kết hợp các thông điệp toàn cầu của chiến dịch New7Wonders trong lời bài hát của mình[32].

Tại Warsaw, đích thân Tổng thống Ba Lan, Lech Wałęsa, các bộ trưởng Bronislaw KomorowskiAleksander Kwaśniewski, đã mời chủ tịch của New7Wonders, Bernard Weber cùng chụp hình thân mật để biểu thị tình đoàn kết ủng hộ với ứng viên của Ba Lan trong New7Wonders, khu hồ Masurian.

Tại châu Mỹ

Tại Canada, Cơ quan Du lịch dẫn đầu chiến dịch để Vịnh Fundy được công nhận là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới. Giám đốc điều hành Terri McCulloch kêu gọi người dân bỏ phiếu cho Vịnh Fundy để nó lọt vào vòng chung kết, như là một cách lý tưởng để kỷ niệm ngày Đại dương Thế giới. Cơ quan này cũng đã chi 750.000 USD cho các cuộc vận động bầu chọn.[33] Tại thủ phủ bang Halifax, Bộ trưởng Bộ Du lịch Canada, Percy Paris đã tiếp nhà sáng lập và chủ tịch của New7Wonders Foundation, Bernard Weber, và công bố một loạt các sáng kiến về "Ngày Canada hướng về vịnh Fundy", một trong 28 ứng cử viên cho 7 kỳ quan thiên nhiên mới.[34]

Honourable Keith Ashfield, Bộ trưởng Bộ Thu nhập Quốc gia nói: "Chính phủ Canada rất tự hào khi Vịnh Fundy là một trong 28 ứng viên lọt vào vòng chung kết trong chiến dịch 7 kỳ quan thiên nhiên mới", và rằng 2 nước Canada và Úc sẽ phối hợp với nhau để mỗi nước sẽ có kỳ quan giành chiến thắng [35]

Chính phủ Argentina thì đã tài trợ hẳn một chiếc kinh khí cầu có logo của New7Wonders bay ngang qua thác Iguazu và truyền hình trực tiếp như một phương thức để vận động người dân tham gia bầu chọn.[36] Siêu sao bóng đá người Argentina, Lionel Messi đã kêu gọi người hâm mộ anh trên toàn thế giới bỏ phiếu cho thác Iguazu của nước mình. Trong video này, được quay trên điện thoại di động, anh nói: "Chúng tôi cần lá phiếu của bạn để thác Iguazu giành chiến thắng trong giải đấu World Cup của các kỳ quan thiên nhiên. Hãy bầu cho thác Iguazu!"[37]

9 quốc gia chia sẻ kỳ quan rừng Amazon cũng liên minh với nhau để mong giành thắng lợi. Tổng thống Peru Ollanta Humala đã công khai bình chọn cho Amazon trước truyền hình, một trong 28 ứng viên chính thức trong vòng 2 của New7Wonders of Nature, được chia sẻ bởi Peru cùng với Bolivia, Brasil, Colombia, Ecuador, Guiana thuộc Pháp, Guyana, SurinameVenezuela. Sergio Markarian, huấn luyện viên của đội tuyển bóng đá quốc gia Peru, cũng bỏ phiếu cho Amazon trước truyền hình.

Tại Úc

Tại Úc, Bộ Du lịch, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm tiếp thị quốc gia về du lịch, đã đưa ra một ứng dụng Facebook để hỗ trợ cho việc bình chọn 2 kỳ quan của họ là núi UluruRạn san hô Great Barrier. Ứng dụng này kêu gọi người hâm mộ của trang Facebook SeeAustralia tải lên các hình ảnh và câu chuyện về Uluru và Great Barrier Reef, và chia sẻ những chuyện này với bạn bè để khuyến khích họ bỏ phiếu bình chọn.

Andrew McEvoy, giám đốc cơ quan Du lịch Úc nói: "Với sự trợ giúp to lớn từ Facebook cùng những người bạn, tôi tin rằng cả núi Uluru và Rạng san hô Vĩ đại sẽ trở thành 2 trong số 7 kỳ quan thiên nhiên mới."[38]

Các gian hàng pop-up cũng được xây dựng trên các bãi cát nhỏ của Upolu Cay, 30 km ngoài khơi bờ biển Cairns. Nó được thiết lập bởi Bộ Du lịch Úc để thúc đẩy bình chọn cho núi Uluru và Rạng san hô Vĩ đại trong chiến dịch "7 kỳ quan thiên nhiên mới".[39]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bảy_Kì_quan_Thiên_nhiên_Mới_của_Thế_giới http://www.smh.com.au/travel/travel-news/aussies-v... http://www.news.mekongtours.biz/indonesia-withdraw... http://thechronicleherald.ca/novascotia/32280-no-w... http://www.allkpop.com/2011/07/jaejoong-responds-t... http://www.amazonrainforestnews.com/2011/11/amazon... http://www.tourism.australia.com/en-au/ http://www.bayoffundytourism.com/ http://edition.cnn.com/2011/11/11/travel/new-7-won... http://www.eturbonews.com/26331/cape-towns-table-m... http://www.irishtimes.com/newspaper/ireland/2011/1...